Công nghiệp Kinh_tế_Việt_Nam_Dân_chủ_Cộng_hòa

Sau chiến tranh chống Pháp, nền công nghiệp bị tàn phá và sút giảm mạnh (năm 1955 so với năm 1939, giá trị tổng sản lượng công nghiệp giảm 60,1%, sản lượng xi măng giảm 14,4%, than giảm 74,4%, muối giảm 33,5%, rượu giảm 65,3%...).[26]

So với nông nghiệp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương coi trọng công nghiệp nhất là dưới diện quốc doanh. Kế hoạch 5 năm 1961-1965 đề ra chỉ tiêu tăng sản lượng công nghiệp 150% so với năm 1960.[22] Các xưởng hãng tư nhân bị loại dần, đến năm 1964 thì chỉ còn xí nghiệp quốc doanh hoạt động.[27]

Vì được ưu tiên theo mô hình kinh tế của Liên Xô, ngành công nghiệp thu hút 49% vốn nhà nước so với 22% chi cho nông nghiệp. Trong ngành công nghiệp lại chia thành hai hạng: A và B. A là công nghiệp nặng như điện lực, luyện kim, hóa chất, và khoáng sản. Nhóm A chiếm 80% ngân sách. B là công nghiệp nhẹ dùng sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, được chi 20%. Kết quả là công nghiệp phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng 18% mỗi năm trong năm năm 1960-1964. Số công nhân cũng tăng lên hơn một triệu nhưng lại kéo theo nhu cầu lương thực trong khi nông nghiệp không đủ cung ứng.[28] Ngoài ra vì chỉ tiêu sản xuất công nghiệp không căn cứ theo mức tiêu thụ nên một mặt gây ra thặng dư lãng phí trong khi hàng hóa khác thiếu hụt, khan hiếm.[29] Vì chú tâm vào việc phát triển công nghiệp nặng trong khi công nghiệp nhẹ và nông nghiệp lại thiếu đầu tư, nền kinh tế thiếu quân bình khiến Trường Chinh sau phải nhận xét là "sai lầm ấu trĩ tả khuynh".[30]

Năm 1958, tại nhà máy Chiến Thắng, chiếc ôtô 4 chỗ ngồi đầu tiên do người Việt Nam tự chế tạo đã ra đời. Nó trông giống loại Matxcơvic của Liên Xô lúc bấy giờ. Chiếc Fregate chạy bằng xăng của Pháp được đem ra làm mẫu. Các bộ phận như thân máy, nắp máy, chế hòa khí, bơm xăng, bơm dầu được các thợ cơ khí tạo khuôn mẫu trước, sau đó đúc gang rồi mới đưa ra cắt gọt, gia công cơ khí cho thật tinh xảo. Có những chi tiết phải đúc đi, đúc lại rất nhiều lần mới thành công. Có một số chi tiết không thể làm được và phải lắp đồ ngoại là: nến điện, dây điện, hệ thống đồng hồ và chỉ thị, bóng điện, hệ thống kính, săm lốp và vòng bi. Tỷ lệ nội địa hóa của xe đạt tới 80%. Ngày 21/12/1958, chiếc xe "Chiến Thắng", chiếc xe ô tô đầu tiên của người Việt làm ra mang biển số QS-0001 chính thức rời xưởng[31]. Ở miền Nam, phải tới năm 1969, chiếc La Dalat mới được hãng xe Citroën của Pháp chế tạo dựa trên mẫu mã của chiếc Méhari và chiếc Baby Brousse với tỷ lệ nội địa hóa 25% (các bộ phận chính như máy, tay lái, bộ nhún, bộ thắng, khung xe thì vẫn phải nhập).

Năm 1957, mức sản xuất công nghiệp miền Bắc đã vượt đến 2,7 lần mức sản xuất trong năm 1955 và khôi phục lại được mức sản xuất cao nhất thời Pháp thuộc (năm 1938). Tổng sản lượng công nghiệp trong thời kỳ 1955-60 ước tính tăng 37% mỗi năm[32].

Trong Kế hoạch 5 năm 1961-1965, công nghiệp được Nhà nước ưu tiên đầu tư vốn để phát triển. Trong công nghiệp nặng, xây dựng xong khu gang thép Thái Nguyên có công suất 20 vạn tấn/năm, các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, thủy điện Thác Bà, phân đạm Bắc Giang, supe phosphat Lâm Thao... Trong công nghiệp nhẹ, có các khu công nghiệp Việt Trì, Thượng Đình (Hà Nội), các nhà máy Vạn Điểm, sứ Hải Dương, pin Vạn Điền, dệt 8-3... Công nghiệp quốc doanh chiếm tỉ trọng 93,1% trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp toàn miền Bắc, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Ở địa phương, có hàng trăm xí nghiệp được xây dựng để hỗ trợ cho công nghiệp trung ương và giải quyết nhu cầu tại chỗ.

Tính chung, sản lượng công nghiệp nặng năm 1965 tăng 3 lần so với 1960, công nghiệp quốc doanh chiếm tỷ trọng 93% tổng giá trị sản lượng công nghiệp miền Bắc. Công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp giải quyết 80% nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của nhân dân. Xây dựng 100 cơ sở sản xuất mới và nhiều nhà máy, khu công nghiệp được mở rộng. Đến năm 1965 đã xây dựng được 1.132 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Nhiều khu công nghiệp phát triển và hình thành ở Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định, Vinh, Hồng Quảng.[15] Các ngành điện, chế biến cơ khí và khai thác mỏ đã được xúc tiến mạnh. Về ngành điện lực, cho đến năm 1965 đã xây xong 40 nhà máy điện (so với 5 nhà máy có trước năm 1954), nâng tổng điện lực cung cấp cao hơn 3,4 lần. Các ngành cơ khí nhẹ như chế biến máy bơm và các ngành cơ khí chính xác sơ bộ đã được thúc đẩy mạnh với kết quả là vào năm 1965 trên toàn miền Bắc đã thiết lập được 148 nhà máy chế biến cơ khí[33]

Sản xuất bình quân đầu người
một số mặt hàng công nghiệp 1960-1975
[34]
19601975
Than (kg)161,2210,7
Điện lực (Kwh)15,954,6
Gang sắt (kg)0,53,9
Xe đạp (cho 1000 người)1,42,5
Xi măng (kg)25,315,1
Giấy (kg)0,350,87
Diêm quẹt (gói)11,46,9
Chiếu0,330,32
Vải, lụa (mét)6,04,4
Nước mắm, nước chấm (lít)2,32,3
Đường (kg)2,00,8
Thuốc lá (gói)4,610,6
Bột giặt0,30,35

Sang thời kỳ 1965-1975, giai đoạn không quân Mỹ tiến hành oanh tạc, mức tăng trưởng công nghiệp giảm mạnh, chỉ còn 3.9% mỗi năm.[35] Xét riêng giai đoạn 1960-1975 thì ngoài công nghệ nặng như than, điện lực, gang sắt tăng 2-8 lần, mức tăng trưởng cho các mặt hàng khác khá khiêm tốn. Bình quân đầu người một số mặt hàng tiêu dùng như chiếu, vải, diêm quẹt lại sụt giảm.[36] Giai đoạn này, thay vì khuếch đại đầu tư vào các công trình mới, đường lối phát triển công nghiệp đặt trọng tâm vào việc bảo tồn thiết bị sẵn có và nâng cao năng suất để duy trì mức sản xuất. Để đối phó với các đợt bỏ bom của Mỹ, chính phủ đã bố trí, phân tán công nhân và thiết bị vào các vị trí bí mật với quy mô nhỏ rải rác khắp nơi. Tổng sản lượng công nghiệp duy trì ở mức cố định cho đến năm 1970 và bắt đầu trở lại khuynh hướng gia tăng từ năm 1971 khi tình hình chiến tranh thuyên giảm.[37] Số liệu chính thức cho thấy giá trị hàng công nghiệp tăng gấp ba lần từ năm 1960 đến 1975, nhưng vì các cơ sở sản xuất phải phân tán do chiến tranh và các tuyến vận tải bị đánh phá nên giá thành bị đẩy lên cao, không thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế mà chủ yếu cung cấp cho nội địa. Trong thời gian 15 năm, xét về 17 mặt hàng công nghiệp đó thì ba thứ: điện, sắt, và bia là tăng gấp 3 lần hoặc hơn; sáu mặt hàng tăng ở mức thấp còn tám mặt hàng sản xuất lại giảm.[38]

Tính tổng giai đoạn 1955-1975 thì giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1975 tăng gấp 16,6 lần năm 1955, bình quân tăng mỗi năm 14,7%. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp tính bình quân đầu người năm 1975 đã đạt mức cao hơn nhiều so với năm 1955, trong đó: điện gấp 13,8 lần, than 4,8 lần, xi măng 25,2 lần, giấy 14,5 lần, vải 4,8 lần, đường 4 lần. Năm 1975 miền Bắc đã có 1.335 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, tăng 323 xí nghiệp so với năm 1960. Một số ngành công nghiệp nặng có năng lực sản xuất khá lớn. Vị trí của công nghiệp trong tổng sản phẩm xã hội tăng từ 32,7% năm 1960 lên 42,6% năm 1975; thu nhập quốc dân từ 18,2% lên 28,7% trong 15 năm tương ứng.[15]

Giao thông vận tải

Đến cuối năm 1957, toàn miền Bắc đã khôi phục được 681 km đường sắt, khôi phục và xây dựng thêm 10.607 km đường ô tô. Các bến cảng (Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả, Bến Thủy) được tu sửa và mở rộng, góp phần rất quan trọng trong giao lưu hàng hoá, phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, đến năm 1964, không quân Mỹ mở chiến dịch đánh phá ác liệt nên các cơ sở giao thông, cầu cống... bị phá hoại nghiêm trọng.

Thủ công nghiệp

Đến năm 1957, miền Bắc đã có gần 460.000 người tham gia sản xuất thủ công nghiệp (gấp 2 lần số thợ thủ công năm 1941, là năm phát triển cao nhất thời Pháp thuộc); cung cấp 58,8% sản phẩm tiêu dùng trong nước.

Giai đoạn này, thủ công nghiệp cũng theo các khuôn mẫu trên lập ra hợp tác xã. Tính đến năm 1960 thì 87,9% các hộ dân nghề đã vào hợp tác xã. Một hậu quả mà Đảng nhìn nhận về quá trình đó là một số nghề truyền thống mất hẳn. Hơn nữa vì các nghề thủ công mang nhiều tính cách buôn bán kiểu tư sản, sản phẩm sản xuất ra khi mất đi áp lực cạnh tranh thì phẩm chất và loại mẫu hàng cũng kém đi.[39] Mãi đến năm 1986 thì thủ công nghiệp mới được khuyến kích trở lại để phát triển theo mô hình gia đình và các làng nghề truyền thống.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kinh_tế_Việt_Nam_Dân_chủ_Cộng_hòa http://199.237.196.5/vungoctien/vungoctien0599-3.h... http://artsandscience.usask.ca/economics/skjournal... http://www.tienco.com/lich-su-ve-tien/290-lich-su-... http://www.osaarchivum.org/files/holdings/300/8/3/... http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=489... http://vnca.cand.com.vn/Truyen-thong/Ong-tuong-va-... http://huc.edu.vn/vi/spct/id78/QUA-TRINH-XAC-LAP-V... http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/13... http://www.mofahcm.gov.vn/en/mofa/nr040807104143/n... http://www.na.gov.vn/Sach_QH/VKQHtoantapIII/1969/U...